Áp dụng kiến trúc sinh thái phục vụ cộng đồng tại các vườn quốc gia
Kinh nghiệm phát triển kiến trúc sinh thái tại các vườn quốc gia trên thế giới
1. Sự cấp bách và vai trò của kiến trúc bền vững trước nguy cơ biến đổi khí hậu
Tháng 9/2015, UNESCO đã thông qua 17 mục tiêu hướng đến phát triển bền vững. Trong đó, các mục tiêu số 13, 14, 15 đề cập các nhận thức và yêu cầu hành động cụ thể trong việc thích ứng với biến đổi khí hậu và nguồn tài nguyên thiên nhiên với tiêu chí phát triển bền vững các hệ sinh thái tự nhiên:
“…13. Hành động vì khí hậu – Thực hiện hành động khẩn cấp để chống biến đổi khí hậu và các tác động của nó;
14. Cuộc sống dưới nước – Bảo tồn và sử dụng bền vững đại dương, biển và tài nguyên biển vì sự phát triển bền vững;
15. Sự sống trên đất – Bảo vệ, khôi phục và thúc đẩy sử dụng bền vững các hệ sinh thái trên cạn, quản lý rừng bền vững, chống sa mạc hóa, ngăn chặn và đẩy lùi suy thoái đất cũng như ngăn chặn mất đa dạng sinh học”;
Trong đó, mục tiêu 11 cụ thể về kiến trúc và phát triển đô thị nhắc đến vai trò trách nhiệm của giới KTS trong công cuộc bảo vệ thiên nhiên và xây dựng các cộng đồng bền vững song hành cùng môi trường sinh thái bản địa, trong đó các mục tiêu cụ thể quan trọng như sau:
- … Tăng cường nỗ lực bảo vệ và gìn giữ di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới;
- Hỗ trợ các mối liên kết tích cực về kinh tế, xã hội và môi trường giữa các khu vực thành thị, ven đô và nông thôn bằng cách tăng cường quy hoạch phát triển quốc gia và khu vực;
- Hỗ trợ các quốc gia kém phát triển nhất, bao gồm thông qua hỗ trợ tài chính và kỹ thuật, trong việc xây dựng các tòa nhà bền vững và có khả năng phục hồi bằng vật liệu địa phương;
Lý thuyết phát triển bền vững đã được nghiên cứu từ thập niên 70 của thế kỷ 20 và chính thức phát triển mạnh mẽ từ sau Báo cáo Brundtland năm 1987 của Liên Hiệp Quốc cho đến nay, trong đó nhiều quốc gia, nhiều lĩnh vực, đặc biệt là lĩnh vực du lịch đều nhấn mạnh vai trò cân bằng sinh thái, giữ gìn tái tạo phát triển các nguồn tài nguyên thiên nhiên đảm bảo hài hòa với phát triển kinh tế, đô thị và công nghiệp, nông nghiệp, khai khoáng… Và luôn nhắc đến sự tham gia của các bên trong trách nhiệm bảo vệ nguồn tài nguyên cho thế hệ sau.
Có nhiều chương trình được phát triển mạnh mẽ trên nền tảng tư tưởng của lý thuyết phát triển bền vững, như: Các mục tiêu cắt giảm khí thải, mục tiêu tái tạo trồng rừng tăng bề mặt phủ xanh, những chương trình hạn chế rác thải, sử dụng vật liệu tái chế, ứng dụng năng lượng sạch… Trong phạm vi nghiên cứu này, sẽ tập trung vào các chương trình phát triển bền vững thông qua công tác quy hoạch kiến trúc tại các lá phổi xanh quan trọng nhất mà các quốc gia còn nắm giữ: Hệ thống tài nguyên các Vườn Quốc Gia, Khu bảo tồn thiên nhiên, khu sinh quyển, khu bảo tồn loài, các khu tự nhiên đặc hữu….
Với nhận thức từ sớm, hầu hết các quốc gia trên thế giới đã thiết lập mạng lưới các danh mục hệ thống tài nguyên xanh trên, và lưu giữ quản lý một cách có chủ đích với nhiều nỗ lực và kết quả đáng khích lệ.
2. Khái quát về lịch sử phát triển mô hình hệ thống Vườn Quốc gia trên thế giới, mô hình quản lý và khả năng đón tiếp lượng du khách
Lịch sử phát triển các Vườn Quốc gia (VQG) trên thế giới phải kể đến như Australia, Canada, Nam Phi và Hoa Kỳ vào cuối thế kỷ 19 – Với những nhận thức rất sớm trong việc khoanh vùng và ban hành các chính sách, cơ chế nhằm bảo vệ các tài nguyên thiên nhiên quý giá tại các quốc gia. Tuy nhiên, việc phát triển các mô hình này lại rất khác tại nhiều quốc gia bởi sự liên quan đến các vấn đề rộng lớn như: Sự sở hữu đất đai; Luật khai thác tài nguyên; các nguyên tắc phân chia quyền lợi; trách nhiệm bởi các bên tham gia, vai trò chính quyền trung ương và địa phương…
Tại châu Á, có thể kể đến sự tiên phong của Nhật Bản. Những sự tranh cãi về tiêu chí đã làm cho đạo luật Công viên Quốc gia mãi mới được thông qua năm 1931, cùng với sự công nhận 12 công viên của quốc gia này trong giai đoạn 1934-1936. Tổng lượng du khách ghé thăm các VQG Nhật Bản trong những năm gần đây đã đạt đến các con số kỷ lục 24 triệu khách quốc tế, (năm 2016) và 32 triệu du khách (năm 2019), số lượng khách nội địa được kiểm đếm từ năm 2012 và đạt con số 6,670,000 khách năm 2019. Nổi tiếng nhất phải kể đến VQG Fuji – Hakone -Izu với tâm điểm Núi Phú Sĩ (3776m) là yếu tố mê hoặc thu hút du khách, nổi tiếng toàn cầu. Nơi đây là điểm đến yêu thích của các tay leo núi quốc tế và đã từng ghi nhận mức kỷ lục ngày 25/8/2012 với 6831 người chinh phục vùng đỉnh.
Trong khi đó, tại Trung Quốc, nơi tài nguyên rừng và cảnh quan thiên nhiên hàng đầu thế giới, đến năm 2013, chính phủ mới lần đầu tiên công bố đề xuất thành lập hệ thống công viên Quốc gia do 13 bộ và Ủy ban ban hành, các khu vực thí điểm bao gồm 12 tỉnh và chiếm 2,3% diện tích đất liền. Năm 2015, Luật Công viên Quốc gia được chính thức ban hành. Tuy nhiên, sự chồng chéo trách nhiệm, phân quyền tại các VQG giữa vai trò của chính quyền trung ương và địa phương diễn ra phức tạp sau đó, và có nhiều hệ lụy chưa thống nhất trong các chính sách quản lý phát triển.
Phân tích sâu mô hình học tập về tổ chức quản lý khai thác của hệ thống VQG Canada, quốc gia đi đầu thế giới trong việc bảo vệ tài nguyên các khu rừng đặc dụng, chúng ta có những nội dung chi tiết như sau:
- Số lượng VQG và khu bảo tồn: 37 VQG, 10 khu bảo tồn quốc gia;
- Lượng du khách: Năm 2021-2022: 21,6 triệu lượt khách, tăng 27% so với năm 2020-2021, 17 triệu lượt khách (năm có đại dịch COVID);
- Doanh thu: Năm 2021-2022: 155 triệu đô la Canada, Năm 2020-2021: 105 triệu $, năm 2019-2020: 171 triệu $
- Nguồn thu: Có 03 nguồn thu chính (chiếm khoảng 85% doanh thu):
- Bán vé vào cổng: Khoảng 45%;
- Phí cắm trại: Khoảng 20%;
- Cho thuê bất động sản, nhượng quyền kinh doanh: Khoảng 20%;
- Các nguồn thu khác đến từ các quỹ tài trợ và các hoạt động khác.
- Các hoạt động cho du khách: Các công viên quốc gia ban đầu tập trung vào việc cung cấp các phương tiện giải trí cho các hoạt động giải trí như chơi golf, quần vợt và trượt tuyết xuống dốc. Ngày nay, mục đích là cung cấp các cơ hội giải trí ngoài trời phù hợp với việc bảo vệ lâu dài các nguồn tài nguyên thiên nhiên nhưng chỉ cần cơ sở vật chất tối thiểu như: Đi bộ đường dài, đi xe đạp, chèo thuyền, trượt tuyết băng đồng và đi bộ trên tuyết. Ngoài ra, một lực lượng đông đảo các nhà tự nhiên học cũng có mặt để giới thiệu môi trường cho du khách và cung cấp thông tin về các hoạt động giải trí.
- Cơ cấu tổ chức: Các công viên quốc gia của Canada là những khu vực được bảo vệ được thành lập theo Luật Liên bang để bảo tồn di sản thiên nhiên của Canada. Các khu vực này được quản lý bởi Parks Canada, một cơ quan chính phủ với tiền thân là Dominion Parks Branch – dịch vụ công viên quốc gia đầu tiên trên thế giới – được thành lập vào năm 1911.
Các khu bảo tồn VQG được thành lập tại các khu vực bị ảnh hưởng bởi các khiếu nại về đất đai chưa được giải quyết và được Chính phủ Canada chấp nhận đàm phán. Những khu vực này được chỉ định trở thành công viên quốc gia, nhưng ranh giới cuối cùng và các điều khoản khác sẽ chỉ được hoàn thiện sau khi giải quyết xong các khiếu nại về đất đai.
Sự hợp tác của chính phủ với các cộng đồng cư dân bản địa là chìa khóa để thành lập các công viên quốc gia mới. Parks Canada tiếp tục làm việc để thiết lập các phương pháp tiếp cận khu vực thông qua quan hệ đối tác với ngành lâm nghiệp và nông nghiệp, cộng đồng bản địa, chủ đất tư nhân, nhóm môi trường, cơ quan công viên tỉnh và những người khác. Một số ví dụ về cách tiếp cận để quản lý công viên bao gồm các chương trình dự trữ sinh quyển, các chương trình rừng kiểu mẫu (được thực hiện bởi Mạng lưới Rừng kiểu mẫu Canada ở các công viên quốc gia Pacific Rim, Jasper, Prince Albert, Fundy và Gros Morne). Trang Web chính phủ có liên kết (đường link) với tất cả các VQG, và các dịch vụ mua vé online, booking khu cắm trại đều được đăng ký trả tiền tập trung thông qua trang web một cách rất uy tín và thông minh.
Điểm nổi bật xuyên suốt trong quan điểm tổ chức quy hoạch kiến trúc các VQG Canada là sự can thiệp khéo léo, tinh tế nhất của công tác xây dựng. Từ công tác quy hoạch phân định rất rõ ràng các phân vùng bảo vệ nghiêm ngặt, phân vùng tác động từ thấp đến cao, kèm theo các quy định rõ rệt, đặc biệt là các chỉ dẫn tác động cho phép hoặc không cho phép phổ biến kỹ lưỡng đến du khách. Đối với các công trình kiến trúc xây dựng đều là quy mô tối thiểu vừa đủ, hầu hết kiến trúc nhỏ đều bằng gỗ, hay các vật liệu địa phương, tái chế và thiết kế xây dựng ít tác động môi trường nhất. Ngay trong cách xây dựng cũng đã khéo léo chỉ ra cách ứng xử chuyên môn của kiến trúc sinh thái hòa hợp môi trường và qua đó giáo dục khách thăm quan sử dụng. Thẩm mỹ kiến trúc đơn giản, đồng điệu với cảnh quan và khiêm nhường, cảm giác đặt để rất ngẫu nhiên, nhưng vẫn tinh tế trong sử dụng
Sự đa dạng sinh học tại Việt Nam – các cơ hội và thách thức trong phát triển bền vững, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, cân bằng môi trường sử dụng đất, kiến trúc sinh thái phát triển hài hòa
1. Hệ thống Vườn quốc gia và các khu rừng đặc dụng tại Việt Nam
Tiềm năng đa dạng sinh học của Việt Nam trong top 25 quốc gia hàng đầu thế giới. Hiện nay, hệ thống các VQG nước ta được quản lý theo Nghị định số 117/2010/NĐ-CP của Chính phủ về tổ chức và quản lý hệ thống rừng đặc dụng. Trong hoạt động khai thác du lịch, có Quyết định số 104/2007/QĐ-BNN của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về quản lý hoạt động du lịch sinh thái tại các VQG, Khu bảo tồn thiên nhiên.
Với cơ chế khung quản lý đó, hệ thống VQG tại Việt Nam có những đặc trưng sau:
- Số lượng VQG và khu bảo tồn: 34 VQG, 60 khu dự trữ thiên nhiên, 22 khu bảo tồn loài và sinh cảnh, 65 khu bảo vệ cảnh quan;
- Lượng du khách: 1,5 triệu lượt khách (năm 2017), 2 triệu lượt khách (năm 2016). Nhìn chung còn rất khiêm tốn so với mặt bằng chung thế giới;
- Doanh thu: 136 tỷ đồng (năm 2017), 114 tỷ đồng (năm 2016), 77,3 tỷ đồng (năm 2015)
- Nguồn thu: Các nguồn thu (2017) đến từ:
- Thu phí thăm quan: 0,96%;
- Thu từ các dịch vụ du lịch sinh thái: 2,29%;
- Cho thuê môi trường rừng phát triển du lịch sinh thái: 0,17%;
- Liên doanh liên kết phát triển du lịch sinh thái: 0,0%;
- Chi trả dịch vụ môi trường rừng: 18,5%;
- Đầu tư cơ sở hạ tầng: 52,48%;
- Khoán bảo vệ rừng: 19,33%;
- Hỗ trợ cộng đồng: 6,26%
Các nguồn tài chính đang được quản lý sử dụng tại các VQG, khu bảo tồn thiên nhiên gồm: (1) Nguồn NSNN (Chi đầu tư phát triển; chi thường xuyên; chi không thường xuyên; sự nghiệp khoa học; sự nghiệp môi trường; sự nghiệp giáo dục); (2) Nguồn lực từ xã hội (nguồn chi trả dịch vụ môi trường rừng; nguồn dịch vụ du lịch sinh thái và sản xuất kinh doanh khác; các nguồn tài chính từ doanh nghiệp, cá nhân, hộ gia đình); (3) nguồn tài trợ quốc tế. Các VQG, khu bảo tồn thiên nhiên quản lý sử dụng các nguồn tài chính trên theo quy định của các văn bản quy phạm pháp luật đối với từng nguồn.
-
- Các hoạt động cho du khách: Các khu rừng đặc dụng Việt Nam có nguồn tài nguyên thiên nhiên và nhân văn phong phú, đa dạng, giàu tiềm năng phát triển du lịch sinh thái. Hiện nay, có 61/176 khu (chiếm gần 35%), trong đó có 25/34 VQG (chiếm 74%) đã thực hiện kinh doanh du lịch sinh thái (Tổng cục Lâm nghiệp, 2017). Về số lượng, các rừng đặc dụng thực hiện kinh doanh du lịch sinh thái còn đang rất hạn chế. Như vậy, tiềm năng tạo nguồn thu đang bị lãng phí, sự khai thác rất mỏng, chưa tương xứng với tiềm năng phát triển.
Về hình thức tổ chức kinh doanh du lịch sinh thái, 37 khu tự tổ chức du lịch sinh thái; 11 khu tổ chức liên doanh, liên kết và 13 khu cho thuê môi trường rừng; 15 khu rừng tổ chức theo 2 hình thức. Ở một số VQG, hình thức cho thuê môi trường rừng đang góp phần thu hút một số lượng lớn khách và đóng góp tích cực vào việc tăng nguồn thu cho các VQG.
-
- Cơ cấu tổ chức: Về mô hình tổ chức, hoạt động của các khu rừng đặc dụng, hệ thống rừng đặc dụng hiện nay được phân cấp quản lý ở 2 cấp:
- Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước đối với hệ thống rừng đặc dụng trong phạm vi cả nước; trực tiếp tổ chức quản lý các khu rừng đặc dụng nằm trên địa bàn từ 02 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trở lên (bao gồm: VQG Ba Vì, VQG Tam Đảo,VQG Cúc Phương, VQG Bạch Mã, VQG YokDon và VQG Cát Tiên);
- UBND cấp tỉnh quản lý nhà nước đối với hệ thống rừng đặc dụng ở địa phương, tuy nhiên tùy mức độ quan trọng, phân cấp một số VQG trực thuộc UBND Tỉnh hay Sở Nông nghiệp phát triển nông thôn quản lý, điều này cũng dẫn đến các nguồn lực phân bổ khá khác nhau.
2. Quy hoạch kiến trúc sinh thái phát triển trên cơ sở bảo vệ tài nguyên
a. Vai trò của quy hoạch kiến trúc sinh thái trong công tác bảo vệ tài nguyên sinh thái
Hiệu quả bảo tồn các tài nguyên sinh thái sẽ được phát huy rất nhiều thông qua công tác quy hoạch xây dựng vùng không gian cũng như thiết lập các mô hình kiến trúc sinh thái phù hợp. Trong đó, quan trọng nhất là nhận thức “vừa đủ” và ý thức “để dành” trong sự xác định quy mô khai thác quỹ đất trong quá trình phát triển, sự bảo vệ nguyên vẹn tối đa nhất trong các quỹ đất xanh vùng lõi, vùng đệm và dự trữ.
Ở góc độ công trình kiến trúc, cũng cần xem xét đến chức năng, quy mô và các hình thức phù hợp để vận hành trong lòng thiên nhiên một cách đơn giản tối ưu nhất. Các công trình kiến trúc lớn, thừa công suất sử dụng, khối tích bê tông hóa, đồ sộ đều tác động đến sinh cảnh tự nhiên. Tại một số khu bảo vệ động vật, các chòi ngắm chim, nơi dừng chân còn đòi hỏi kiến trúc phải ngụy trang, ẩn vào thiên nhiên giấu con người bên trong, tránh cho động vật hoảng sợ bởi con người, hoặc hình dáng mầu sắc ánh sáng công trình không phù hợp…
Với góc độ xu hướng sáng tạo, kiến trúc sinh thái luôn là cảm hứng dẫn dắt các trào lưu kiến trúc xanh, kiến trúc bản địa hấp dẫn du khách và người sử dụng bởi vẻ đẹp riêng đầy tính nhân văn.
b. Kiến trúc bền vững, kiến trúc sinh thái là gì?
- Công trình dựa trên cảm hứng cảnh quan bao cảnh và sự hòa hợp kiến trúc vào thiên nhiên. Công trình như một sự bổ sung trọn vẹn không thừa không thiếu, thể hiện sự tinh tế và thống nhất với thiên nhiên trong tổng thể sau khi được tạo dựng;
- Công trình có sự can thiệp ít nhất vào thiên nhiên; hạn chế tác động đến khu đất xây dựng, môi trường xung quanh; hạn chế sử dụng các vật liệu phi tự nhiên và vận chuyển từ nơi xa đến;
- Công trình sử dụng kiến thức xây dựng địa phương, vật liệu địa phương, nhân công địa phương;
- Công trình tìm kiếm những giải pháp vật lý kiến trúc thông minh để hóa giải, tạo sự hài hòa với những vấn đề khí hậu bản địa, tạo nên một cách thức vận hành công trình gần gũi, đơn giản và hiệu quả nhất;
- Đặt ra bài tính kinh tế hiệu quả đầu tư, cân đối giữa suất đầu tư thấp, thông minh với hiệu quả sử dụng lâu dài;
- Công trình có vẻ đẹp bản địa đi kèm với những sáng tạo thẩm mỹ mới;
- Công trình tự thân có tính giáo dục cho người dân, du khách từ cách hình thành, đầu tư, vận hành và sự tương tác thân thiện với thiên nhiên.
Hero house và kinh nghiệm tương tác sinh thái thành công, hài hòa với thiên nhiên
Xuất phát từ công trình đầu tiên có tên gọi Hero House dành cho các tình nguyện viên bảo vệ rùa biển đến ở và làm việc tại VQG Núi Chúa, Ninh Thuận (2017) – Tiếp nối các thành công của chương trình kết nối tình nguyện viên tham gia công cuộc bảo vệ thiên nhiên, chuỗi công trình cộng đồng lấy tên gọi Hero House để phát triển các mô hình kiến trúc sinh thái được xây dựng tại các VQG tiếp tục phát triển, biến đổi và thích nghi hóa các nhu cầu, chức năng sử dụng tại VQG Bù Gia Mập (2020) và VQG Cát Tiên (2023).
Đặc điểm chung của các công trình Hero House là được đặt trong các VQG và liên kết chặt chẽ với công tác bảo vệ môi trường, chăm sóc bảo vệ các loài động vật hoang dã với sự tham gia nhiệt tình của lực lượng Tình nguyện viên hầu hết là các bạn trẻ trên cả nước, được tập hợp liên kết bởi Cộng đồng có tên gọi “Gia đình yêu thiên nhiên Việt Nam”
1. Hero House Núi Chúa
Câu chuyện về Hero House bắt đầu từ một tổ chức phi chính phủ, nơi tập hợp các nhà khoa học, các tình nguyện viên và Hội các gia đình yêu thiên nhiên tại Việt Nam trong nỗ lực bảo tồn tự nhiên, đồng thời tuyên truyền giáo dục cho trẻ em và cộng đồng địa phương về việc bảo vệ rùa biển (trong đó có 3 loại hiếm quý là rùa xanh Chelonia mydas, đồi mồi Eretmochelys imbricata và quảng đồng Caretta caretta) đến và đẻ trứng tại Bãi Thịt, thuộc VQG Núi Chúa, tỉnh Ninh Thuận, Việt Nam. Bãi biển hoang sơ này nằm trong vùng lõi bảo vệ nghiêm ngặt của VQG có tên dân gian là “Bãi Thịt”, bởi đây là nơi dân địa phương thường tới bắt rùa biển để lấy thịt. Ngày nay, Bãi Thịt là khu vực được bảo vệ, và là nơi duy nhất trên đất liền Việt Nam rùa biển về đẻ trứng mùa hè hàng năm.
Điểm khó khăn là việc bảo vệ rùa đẻ, ứng cứu di dời các ổ trứng luôn phải thực hiện ban đêm, là giờ rùa mẹ lên đẻ trứng. Để kịp thời, các tình nguyện viên, kiểm lâm và nhà khoa học mỗi nhóm 10 người đều làm việc trong điều kiện rất khó khăn như ngủ lều, không nước ngọt và nơi nghỉ sinh hoạt. Trước tình cảnh đó, những người tình nguyện đã quyên góp xây dựng ngôi nhà dành cho các tình nguyện viên, kiểm lâm và các nhà khoa học nghỉ ngơi và làm việc, trong đó có cả những đóng góp đáng yêu của các cháu nhỏ thông qua việc bán tranh vẽ về trái đất và môi trường.
Quá trình xây dựng vô cùng khó khăn khi không có điện, không nước ngọt và không đường giao thông. Bên cạnh đó là các yêu cầu về việc bảo vệ nghiêm ngặt môi trường sinh thái khu vực, từ rừng cây, địa hình cho đến rặng san hô ven biển. Do đó, việc tìm được những loại vật liệu chịu được sự khắc nghiệt độ mặn vùng biển, bền vững và không cần bảo trì thường xuyên để giảm chí phí hoạt động của trạm là một yêu cầu bắt buộc.
Nhờ vào sự sáng tạo và chung sức của người thợ địa phương đã giúp KTS chọn lựa vật liệu và xử lý các vật đề kỹ thuật đầy ngẫu hứng theo kinh nghiệm bản địa, đáp ứng được những yêu cầu đã đặt ra.
2. Hero House Bù Gia Mập
Sau Hero House 1-VQG Núi Chúa – Ninh Thuận, Hero House 2 nằm trong chuỗi công trình kiến trúc sinh thái vì thiên nhiên và cộng đồng, phục vụ công cuộc cứu hộ động vật hoang dã tại VQG Bù Gia Mập – Bình Phước, là nơi ở cho các tình nguyện viên trẻ tới làm việc, nơi nuôi dưỡng và lan tỏa tình yêu thiên nhiên, trách nhiệm với cộng đồng.
Hero House 2 chính là một ngôi nhà mang đậm nét văn hóa của người S’tieng. Trong không gian rừng rậm nguyên sinh, Hero House 2 dần hiện lên với nét trẻ trung tươi mới hơn, như một người bạn trẻ nhưng biết kể những câu chuyện cổ.
Công trình mua và phục dựng lại một ngôi nhà gỗ hiện hữu của đồng bào, sàn hóa trên đất dốc, mở rộng và được cách tân thiết kế với rất nhiều ô cửa sáng tạo để các bạn tình nguyện viên lưu giữ những khoảnh khắc ánh sáng tươi đẹp ẩn hiện trong không gian nội thất. Hàng hiên trước nhà là nơi để các tình nguyện viên nghỉ ngơi và giao lưu, chiêm ngưỡng không gian kỳ vĩ nơi đây với sự kết hợp giữa mảng rừng nguyên sinh và dòng sông trước công trình. Công trình với những tiện nghi vừa phải, phù hợp với yêu cầu tiết kiệm kinh tế nhưng vẫn đáp ứng được nhu cầu của các tình nguyện viên. Việc sử dụng sáng tạo đổi mới trong điều kiện kinh phí thời gian hạn chế của bối cảnh thực địa cũng là nguyên tắc kiến trúc sinh thái áp dụng triệt để tại công trình này.
3. Hero House Nam Cát Tiên
Tiếp nối sự thành công của các Hero House 1 và 2, Ban quản lý VQG Nam Cát Tiên đã đề xuất thiết kế công trình phục vụ cho các tình nguyện viên cũng như không gian kết nối cộng đồng. Trên miếng đất vườn 10×40m tại ngoại vi VQG Nam Cát Tiên, các KTS đã tạo dựng một kiến trúc nhỏ cộng thêm, thú vị phá cách cho một hành lang dẫn lối vào ngôi nhà chính từ cổng khuôn viên.
Đây được xem như là một pavillion hóng mát ngồi chơi, giao lưu và đối thoại với khu vườn. Tại không gian này, sau một ngày làm việc, các tình nguyện viên bảo vệ động vật hoang dã có thể thư giãn quây quần bên nhau trong từng bệ ngồi, bệ chơi đọc sách, tán gẫu cùng kiến trúc hòa vào khung cảnh của khu vườn không lớn nhưng đang được sắp đặt một cách đáng yêu, ngẫu hứng.
Dưới sự hỗ trợ của những người thợ địa phương cũng như sự nhiệt tình của các KTS, các thiết kế luôn có sự thích ứng với điều kiện thi công thực tế, phù hợp với yêu cầu tiết kiệm chi phí xây dựng nhưng vẫn phù hợp với bối cảnh câu chuyện của vùng đất. Đặc biệt, các loại đá núi lửa và sỏi địa phương được áp dụng vào thiết kế landscape khá thú vị.
4. Mô hình hợp tác 3 bên và kết quả đạt được
Tại các VQG, mục tiêu bảo vệ phát triển rừng chính là bảo vệ nguồn tài nguyên quý giá hiện hữu còn sót lại. Việc bảo vệ rừng không phải là công tác bảo vệ thụ động 1 chiều, bảo vệ “cứng” bằng nhân lực hạn hẹp của chính quyền mà cần phát triển cách thức bảo vệ chủ động bằng nhận thức, giáo dục, phát triển ý thức của đông đảo người dân, đặc biệt là thế hệ trẻ.
Mô hình kiến trúc Hero House, được sự chung tay góp sức của cả cộng đồng và cơ quan quản lý, từ việc chọn đất xây dựng trong phạm vi VQG, từ nguồn quỹ đóng góp xã hội hóa của nhiều tổ chức cá nhân thiện nguyện, từ sự tham gia xây dựng góp sức của các đội thợ địa phương cho đến cách thức khai thác tự quản của tình nguyện viên địa phương và bạn trẻ trên cả nước. Quá trình đưa vào sử dụng, mùa hè hàng năm đón các bạn trẻ tình nguyện viên đến sinh sống làm việc, ngoài việc chăm sóc động vật hoang dã, còn có thời gian tổ chức các lớp học tiếng Anh, vi tính và lồng ghép nội dung bảo vệ thiên nhiên cho trẻ nhỏ tại thôn xóm xung quanh VQG, sự giao thoa tương tác vì lý tưởng chung bảo vệ môi trường đã lan tỏa và tác động sâu sắc, cải thiện nhận thức chính từ trẻ nhỏ cho đến cha mẹ trong các gia đình cư dân bản địa.
Kết quả tốt đẹp là ý thức bảo vệ thiên nhiên và động vật hoang dã thay đổi cụ thể qua số liệu hàng năm, hàng trăm trường hợp báo cáo các vi phạm hay giải cứu động vật hoang dã được thực hiện bởi chính người dân, một lực lượng “tai mắt” quý giá bổ sung cho cán bộ VQG thực hiện chuyên môn sâu sau đó.
Hero House với kiến trúc sinh thái từ thiết kế kiến trúc đến giá trị nhân văn đã trở thành một địa chỉ thân quen, tin cậy và định vị sứ mệnh kết nối con người từ kiến trúc đến hoạt động tương tác tạo giá trị, từ các tình nguyện viên phương xa đến những người dân địa phương. Đó chính là sự bền vững, là giá trị sống động chân thực nhất của một công trình kiến trúc sinh thái sinh ra từ cộng đồng và được cộng đồng thừa nhận.
Như vậy, với vai trò chủ quản của Ban quản lý VQG, đồng phối hợp với các tổ chức xã hội, và cộng đồng cư dân địa phương, thông qua việc tổ chức mô hình chung tay với hạt nhân là câu chuyện kiến trúc Hero House đã đem lại những giá trị to lớn trong nhận thức, hành động và các giáo dục bảo vệ môi trường hiệu quả đến các thế hệ sau.
Kết luận
Tiềm năng sinh thái và sự đa dạng sinh học của thiên nhiên Việt Nam vô cùng to lớn, tuy nhiên trong quá trình phát triển đang đứng trước nhiều nguy cơ tổn hại bởi sự mất đi các quỹ đất và tài nguyên. Hệ thống VQG và các Khu rừng đặc dụng Việt Nam là bộ khung lớn, quan trọng hàng đầu trong việc bảo tồn thiên nhiên. Nhận thức, hành động đúng đối với việc khai thác nguồn tài nguyên quý giá này sẽ đem lại nhiều tác động cho phát triển kinh tế, du lịch sinh thái, cải thiện đời sống cư dân bản địa một cách hài hòa.
Hiện trạng công tác quy hoạch kiến trúc sinh thái áp dụng tại các VQG và khu rừng đặc dụng còn rất khiêm tốn, chưa phát huy được vai trò chuyên môn trong công tác phục vụ phát triển hạ tầng, công trình và cảnh quan, cũng như chưa hấp dẫn thu hút du khách, mặc dù đây là thị trường quan trọng, tạo doanh thu và sức sống cho hoạt động du lịch sinh thái cho VQG và cả cư dân bản địa cùng phát triển.
Vai trò của kiến trúc sinh thái, tạo lập bền vững đã được thực thi phổ biến trên thế giới với nhiều kinh nghiệm và mô hình học tập. Những nỗ lực kiến trúc cộng đồng hướng đến các mục tiêu của Liên Hiệp Quốc về phát triển bền vững được đặt ra trong bối cảnh các VQG bước đầu áp dụng thông qua chương trình Hero House thời gian qua đã gặt hái được những kết quả đầy khích lệ, được hưởng ứng yêu mến và phát huy giá trị trong câu chuyện kiến trúc tham gia cải thiện môi trường nhân văn và góp phần bảo vệ sinh thái tự nhiên. Chương trình đang tiếp tục được phát huy, đón nhận nhiều nhà hảo tâm và tổ chức nhằm phát triển tiếp các hạng mục kiến trúc sinh thái tại các VQG địa bàn Nam Trung Bộ và Nam Bộ trong thời gian tới.
ThS.KTS Nguyễn Thu Phong